Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

SƯA

SƯA


Tên khoa học: Dalbergia tonkinensis Prain

Họ: họ Đậu (Fabaceae)

Tên tiếng Việt: Sưa hay sưa Bắc Bộ, trắc thối, huê mộc vàng, huỳnh (hoàng) đàn

Phân bố: Chủ yếu phân bổ ở Việt nam và được tìm thấy rải rác tại Hải Nam, Trung Quốc .


Album: https://www.facebook.com/media/set/?set=a.422626831260660.1073741853.244315789091766&type=3



 

  Là cây ưa sáng, ưa đất sâu, dày, độ ẩm cao. Phân bố ở độ cao dưới 500m. Có khả năng tái sinh hạt tốt. Sưa là cây gỗ nhỡ, thân cây nhẵn, màu xám trắng, lúc nhỏ thân cây hơi cong queo. Lá thường xanh có thể cao tới 10–15 m, sinh trưởng trung bình, thân màu vàng nâu hay xám, nứt dọc. Lá dài 9–20 cm; cuống không lông; lá kèm sớm rụng, nhỏ, có lông nhỏ mịn và thưa, màu nâu vàng. Các cuống nhỏ không lông; số lá chét 5-9, với lá chét tận cùng thường là to nhất, hình trứng hay hơi thuôn dài, nhẵn, chất da, có lông mịn lơ thơ khi non, nhanh chóng chuyển thành không lông, gốc lá chét tròn, nhọn mũi.

     Đầu mùa xuân thay lá, hoa màu trắng và màu vàng rất đẹp. Hoa tự dạng chùy, mọc ở nách lá, khoảng 5–15 cm. Hoa trắng có đài hợp, thơm. Quả dạng quả đậu hình trứng thuôn dài, dài 5–6 cm, rộng khoảng 1 cm và chứa 1-2 hạt dạng bầu dục, đường kính khoảng 9 mm. Quả khi chín không tự nứt. Cành non màu xanh có đốm bì khổng màu trắng. Hoa ra tháng 4-7. Quả chín thu hoạch tháng 11-12.

     
     Có hai loài sưa chính là: sưa trắng và sưa đỏ. Sưa trắng cho hoa đẹp, quả to, đốt không có mùi. Nhưng giá trị gỗ không bằng sưa đỏ. Sưa đỏ trông gần giống sưa trắng, quả kết thành từng chùm, đốt lên có mùi thối.

     Sưa là cây gỗ nhóm IA, được xếp vào loại cực kì quý hiếm, cấm khai thác và sử dụng với mục đích thương mại năm 1994. Riêng cây rừng trồng được phép khai khác và sử dụng. Gỗ chắc, thơm và có tỉ trọng nặng hơn gỗ bình thường. Vân gỗ đẹp, rất được ưa chuộng để làm đồ dùng phong thuỷ.


     Gỗ trắc thối cho mùi thơm quyến rũ thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu nên được gọi là Trắc thối. Gỗ trắc thối chỉ dùng phần lõi những cây trên trăm tuổi. Gỗ sưa thớ mịn, vừa cứng lại vừa dẻo, có nhiều hoa văn đẹp. Thời phong kiến vua chúa dùng gỗ trắc thối để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Những năm gần đây, giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô săn lùng trắc thối để đóng quan tài hoặc ướp xác như các vị hoàng đế Trung Quốc trước đây. Người ta cho là quan tài đóng bằng gỗ trắc thối có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy. Do đặc điểm hoa trắng, có mùi thơm, tán rộng, nên người ta có thể trồng làm cảnh tại các đường phố.


CHUYỆN CỦA HOA

     Theo truyền thuyết kể lại, hoa Sưa có lẽ là hồn một cô gái ngàn xưa kết tinh thành bạch ngọc, cứ mỗi độ Xuân về lại nhớ tình tang là chàng trai Thăng Long Hà Nội, nên hiện ra mơ hồ, thoáng qua một ít ngày ngắn rồi lại bay về hư ảo, nói nhửng lời im, bay tà áo mỏng tung tóc vào trời mưa phấn, phô cái gáy nõn nà mây trắng cho phất phơ đôi sợi tóc mềm lả lướt nắng bạc hiếm hoi… để ngơ ngẩn những ai yêu Hà Nội, yêu đến bứt rứt một kiếp người.



THƠ VỀ HOA

 DỊU DÀNG HOA SƯA TRẮNG

Hoa sưa nở dịu dàng bên lối phố
Trắng miên man màu áo học trò
Nhặt hoa rụng nghe lòng rưng rưng nhớ
Một thưở tóc mềm vương cánh trắng hoa bay.. 

Hà Nội mùa xưa dìu dịu heo may
Gió e ấp lay áo dài thiếu nữ
Hoa sưa thoảng ngọt ngào khung cửa sổ
Ướp thơm hương lời hẹn tuổi học trò..

Hà Nội mùa xưa da diết những vần thơ
Theo bước người đi suốt chiều dài biên giới
Nỗi nhớ niềm thương những tháng ngày chờ đợi
Thơm dịu dàng một sắc trắng hoa sưa..

Hà Nội tháng ba vẫn ngọt dịu hương đưa
Lối nhỏ em về dịu dàng hoa sưa trắng
Mùa vẫn chờ ..sao anh hoài xa vắng
Để mãi thương thầm một cánh trắng hoa bay..






MÙA HOA SƯU NỞ

Xuân muộn, bước trên đường Hà Nội
Bỗng gặp hàng Sưa trắng muốt một màu hoa
Sáng rực góc trời, níu những bước chân qua
Lưu luyến quá, chùm hoa mềm lặng lẽ.


Cũng chợt đến nhẹ nhàng như thế
Tất cả lộc non bật nở một ngày
Mơn mởn non tơ những mắt lá thơ ngây
Lúng liếng xanh, chao dưới trời mưa bụi.

Hoa sớm rụng, dẫu trời xuân chưa đổi
Đủ cho ai nhung nhớ một thời
Đủ cho ai say đắm một đời
Chào Sưa nhé, chờ mùa Sưa nở lại!

Anh đã biết, rồi yêu, rồi nhớ mãi
Vẻ dịu hiền, phút bừng sáng, nét lung linh.
Thoang thoảng mùi hương, cánh hoa nhỏ xinh xinh
Dẫu có mưa dầm, dẫu còn gió cuốn.


Anh cứ ước … mãi còn ngày Xuân muộn
Để cùng ai say đắm những mùa Sưa!
                                        (Nguyễn Anh Trí)












Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

TAM GIÁC MẠCH

Tên khoa học: Fagopyrum esculentum.


Họ: Rau răm (Polygonaceae).


Tên tiếng Việt: Mạch ba góc, tam giác mạch, kiều mạch.


Biểu tượng: Hoa kiều mạch - loại hoa tượng trưng cho những mối tình lãng mạn, thi vị.

     Kiều mạch là loại cây thân thảo, thân mọc đứng, cao 30-80cm, phân cành nhiều. Lá hình tim, tim tam giác, nhọn, có cuống; các lá ở phía trên hầu như không cuống; bệ chìa mỏng. Chùm hoa ở nách lá hay ở ngọn; hoa màu trắng hay hơi hồng, có cuống. Quả ba góc nhọn, hơi vượt quá đài hoa, màu nâu đen. Hạt có nội nhũ bột.

Kiều mạch được trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu từ thế kỷ 15. Ở Việt Nam, kiều mạch được trồng ở vùng núi cao phía bắc. Cây sinh trưởng tốt ở vùng khí hậu ẩm và mát với nhiệt độ 15-22 độ C, sức chịu lạnh yếu.

     Kiều mạch được thuần hóa lần đầu từ vùng Đông Nam Á lục địa (khu vực phía tây tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) khoảng 6.000 năm trước công nguyên, từ đó lan ra Trung Á và Tây Tạng sau đó đến Trung Đông và châu Âu.


     Con người dùng bột kiều mạch để nấu cháo, làm bánh. Ngoài ra, quả và lá còn dùng làm thức ăn cho gia súc. Theo Đông y, kiều mạch có vị chát, hơi the, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, tiêu thũng.



     Tại Việt Nam, kiều mạch được bà con vùng cao gieo trồng trên các vách núi và thung lũng, một năm hai vụ, vào khoảng tháng 4 và tháng 10. Tuy không có năng suất cao nhưng là cây trồng truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên rẻo cao phía bắc. Mùa hoa tam giác mạch nở rộ tháng 9, tháng 10 hàng năm. Với nhiều du khách, hình ảnh những thửa ruộng tam giác mạch nở hoa lộng lẫy giữa khung cảnh núi non hùng vĩ là điểm nhấn ấn tượng trong hành trình phiêu du. Đây cũng là một đề tài được nhiều nhiếp ảnh gia khai thác say mê.


     Trong đó các địa điểm nổi tiếng với tam giác mạch:

          • Ở Lào Cai, các huyện phía bắc giáp với Hà Giang như Simacai, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương đều có gieo trồng tam giác mạch nhưng ít hơn Hà Giang nếu so về quy mô, mật độ.




           • Ở Cao Bằng, Trà Lĩnh - Trùng Khánh là hai điểm đến trồng nhiều tam giác mạch.




           • Hà Giang: nổi tiếng nhất với quá nhiều địa danh được “đóng đinh” trên bản đồ tam giác mạch bởi vẻ đẹp sinh động và ấn tượng của cảnh quan như: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Đồng Văn, Lũng Cú, Ma Lé…



     Hoa kiều mạch - loại hoa tượng trưng cho những mối tình lãng mạn, thi vị. Bắt nguồn từ tiểu thuyết nổi tiếng của tác gia người Hàn Quốc Lee Hyo- seok vào năm 1936 mà loài hoa này càng được biết đến rộng rãi hơn bao giờ hết. Và sức lan tỏa của tác phẩm Khi Hoa Kiều Mạch Nở đã biến kiều mạch thành một nét văn hóa trong dịp lễ hội Bongpyeong tháng 9 hàng năm. Vào dịp này du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bát ngát trên những cánh đồng hoa rộng lớn và đồng thời tưởng nhớ công lao của nhà văn đã khuất.



CHUYỆN CỦA HOA 


     Chuyện kể rằng nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người người lấy hạt về ăn. Khi ngô hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng, chiều đã buông dài nơi rừng cây mà vẫn chưa thấy ai nhóm bếp. Một hôm mọi người họp nhau lại rồi chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua,nhiều nơi đã đến, nhiều hang cùng góc núi đã lục tìm mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng. Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương là lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người cùng tìm đến khe núi,và ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bênnày sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Cái bụng đã ngủ yên không lóc óc đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên “tam giác mạch”.


Một câu chuyện khác


     Không biết từ bao giờ, người dân ở Lũng Táo vẫn truyền nhau câu chuyện thần bí về sự xuất hiện của loài hoa này. Truyền thuyết kể lại, ngày ấy, trên cao nguyên đá không một bóng người. Bỗng một ngày, con gái út của Thiên Ứng Đại Vương là vị quan trên thiên đình phụ trách cai quản vùng Đông Bắc của Tổ quốc thích ngao du những miền đất lạ nên đặt chân đến nơi đây.

     Ngay từ lần đầu nhìn thấy cảnh núi đá hoang vu, cô đã bị hút hồn. Vì ham vui mà cô đã quên đường về thiên giới. Khi Thiên Ứng Đại Vương đi tuần qua đây, gặp cô con gái mình rong chơi thì giận lắm. Ông coi đó là một việc làm hư hỏng, không tuân theo phép tắc thiên đình. Ứng Vương vốn nổi tiếng nóng giận và nghiêm khắc nên cấm con gái không được về thiên đình nữa.

     
     Mặc dù rất buồn nhưng vì đã cãi lời cha nên cô không thể làm khác được. Trước khi bị đày xuống hạ giới, cô gái này đã xin đem theo một hạt cây của thiên đình. Bởi, cô luôn tâm niệm sẽ mang lại sức sống cho những vùng đất hoang vu. Vì là loài cây của thiên đình nên dù thời tiết khắc nghiệt, đất đá khô cằn nó vẫn có sức sống rất mãnh liệt. Sau một thời gian xuống hạ giới, vỡ đất trồng cây tận hưởng cuộc sống tự do một mình, công chúa rất buồn nên đã xin cha cho về lại thiên đình. Tuy nhiên, Ứng Vương cương quyết cấm cửa.

     Nhớ gia đình trên thiên giới và một phần không quen cuộc sống cô độc, cô gái đã chết khi đang gieo trồng cây mạch. Sau khi chết, xác cô đã tan ra giữa đồng tam giác mạch. Chính vì thế, hoa tam giác mạch có hình chóp nhọn như giọt nước mắt hối hận của người con gái đã biết tội với cha mình. Màu hồng tím xen lẫn màu trắng của hoa là màu chiếc áo cô được cha tặng. Cả rừng hoa hồng tím rực rỡ hướng lên trời xanh như lời khắc khoải gọi cha của người con gái.

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

OSAKA ĐỎ

OSAKA ĐỎ


n khoa học: Erythrina fusca 
(Tên đồng nghĩa: Erythrina glauca Willd., Erythrina caffra Blanco, Erythrina viarum)

Họ: Fabaceae

Tên tiếng Anh và một số tên gọi khác: Chekring, Coral bean, purple coral-tree, bean purple coral, Swamp Erythrina, Gallito, bois immortelle, bucayo, bucare...

Tên tiếng Việt: Osaka đỏ, vông mào gà, hồng môi, vông nem, hoàng hậu đỏ, đậu san hô đỏ, vông đồng, móng quỷ...

Biểu tượng: Hoa của đậu san hô đỏ được chọn là loài hoa chính thức của bang Trujillo thuộc Venezuela.

Nguồn gốc xuất xứ: Các nước nhiệt đới Châu Á



     Osaka đỏ là loại cây gỗ trung bình, thuộc loại ưa sáng, cao từ 10–20 m, tán rộng, lõi cây có màu vàng sáng đến vàng nâu. Gỗ nhẹ, không bền, ít được sử dụng.

     Lá kép có 3 lá chét dài 8–18 cm, hình bầu dục, lá phụ cuối cùng lớn hơn cả, màu lục bóng nhẵn, rụng vào mùa mưa.

     Hoa chùm, dài trên 20 cm mang nhiều hoa nhỏ có màu đỏ sát nhau. Hoa lớn có 1 cánh cờ dạng trái xoan thuôn rộng, cuộn lại. Nhị hợp lại thành bó dài. Quả dài 25cm màu đen, nhẵn, thắt lại ở hạt. Hạt 5 - 8, hình thận, đỏ hay nâu. Mùa ra hoa: ra hoa quanh năm.



     Cây thích nghi từ vùng nhiệt đới khô cho tới vùng nhiệt đới ẩm. Lượng mưa phù hợp cho phát triển cây dao động từ 1.000 - 4.000 mm, nhiệt độ từ 20-28 °C, độ pH từ 6-8, cây phù hợp với đa số địa hình khác nhau: vùng thấp trũng, ven biển, đầm lầy, vùng đất ngập nước, ven sông v.v. Nói chung nó thích nghi với các điều kiện vùng duyên hải, chịu được cả ngập lụt lẫn điều kiện nước mặn.




     Ở Việt Nam, Indonesia, Singapore, Puerto Rico cây được sử dụng làm cây cảnh quan trên đường phố, công viên. Ở Java, lá non được ăn như một loại rau. Ở Assam và Bengal được trồng để hỗ trợ và bảo vệ cho các vườn nho. Tại một số nơi khác chúng được sử dụng trồng làm cây che bóng và bảo vệ cho các đồn điền cacao, cà phê vì hoa sẽ thu hút các loài chim phá hoại nhưng đồng thời lại giúp cho quá trình thụ phấn của cây được tiến triển tốt hơn.

     Giống như các loài khác trong chi Erythrina, Osaka đỏ có chứa nhiều ancaloit có độc tính, phổ biến nhất là erythralin, thường được dùng trong ngành chế biến dược liệu nhưng gây ngộ độc khi dùng với lượng lớn mặc dù chồi và lá non có thể ăn như rau.

     Theo Hartwell (1967-1971) hạt được sử dụng trong dân gian để chữa bệnh ung thư ở Đông Dương. Một báo cáo khác cho biết cây đậu san hô cũng có dược tính giống như cây Erythrina indica, vỏ cây chữa được bệnh sốt, bệnh gan, sốt rét, thấp khớp, đau răng, rễ đun sôi đắp chữa gãy xương. Ở Malaysia vỏ được đắp để chữa và cầm máu vết thương.