Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

HUỲNH ANH

HUỲNH ANH

Tên khoa học: Allamanda cathartica L.

Chi: chi Dây huỳnh (Allamanda)

Họ: họ La bố ma (Apocynaceae) (Trúc đào)
Tên tiếng Việt: Huỳnh anh, hoàng anh, dây huỳnh, dây công chúa

Nguồn gốc: Brazil


Album: https://www.facebook.com/media/set/?set=a.447322038791139.1073741857.244315789091766&type=3



     Huỳnh anh có mấy chủng loại khác nhau, vì màu sắc của hoa, nhưng thường được trồng làm cảnh thì có 2 loài là huỳnh anh ( tên khoa học là Allamanda cathartica L.) và huỳnh anh lá hẹp ( tên khoa học là (Allamanda neriifolia Hook. f.). Huỳnh anh lá hẹp tương tự như cây Huỳnh anh, nhưng phiến
lá thon hẹp và hoa nhỏ, màu vàng đậm hơn.

Huỳnh anh lá nhỏ

Huỳnh anh lá lớn





















     Lá cây hoa huỳnh anh màu xanh sáng bóng, dạng trứng ngược dài 10 – 15 cm (chiều rộng tùy vào loài, cây hoa huỳnh anh lá lớn lá rộng hơn cây huỳnh anh lá nhỏ) mọc vòng xoắn 3 – 4 lá hoặc mọc đối từng cặp dọc theo thân cây.




     Cây huỳnh anh cho hoa nở quanh năm (ở miền Nam) và tập trung vào mùa hè ( ở miền Bắc). Cụm hoa huỳnh anh màu vàng, có hình loa kèn. Hoa huỳnh anh có hai dang hoa huỳnh anh đơn và hoa huỳnh anh kép với những mảng màu trắng ở cổ họng, mép cánh hoa lượn sóng. Nhị và nhụy nằm sâu trong ống tràng (kiểu cấu tạo thích nghi với lối thụ phấn nhờ côn trùng). Ở Việt Nam thường chỉ thấy hoa huỳnh anh đơn.
Quả huỳnh anh






     Cây hoa huỳnh anh cho quả nang, tròn, dài 30 – 75 mm, phủ gai mềm dài 1 cm. Hiếm khi thấy quả trên cây. Hạt có màu nâu và hơi có cánh hay có 1 mép mỏng.







     Cây hoa huỳnh anh mọc tốt ở hầu hết các loại đất nhưng cây sẽ bị bệnh úa vàng nếu sống trong đất kiềm nặng. Cây hoa huỳnh anh ưa sáng hoặc chịu bóng. Cây cho hoa tốt nhất nơi ánh nắng mặt trời đầy đủ. Cây hoa huỳnh anh thích hợp độ ẩm trung bình, đất phải thoát nước tốt. Cây hoa huỳnh anh có thể cắt tỉa giữ như một cây bụi hoặc leo tự do tạo hàng rào, tường cây, giàn hoa. Cây hoa huỳnh anh có thể nhân giống bằng cách giâm cành.


     Ngoài cách trồng leo hàng rào để trang điểm cho ngôi nhà, nhóm cây Huỳnh Anh lá nhỏ thường được trong bồn để tạo mảng có hoa rất đẹp.



    
     Cây này chủ yếu được dùng để trị sốt rét: thân và lá khi phân hủy trong nước có tác dụng diệt bọ gậy,một phát hiện mới tại Việt Nam dùng loài hoa này sao chế tương tụ như sao chè với nhiệt độ thích hợp sau đó ủ kín có thể dùng làm thuốc đuổi muỗi hiệu quả hoặc được sử dụng như một loại nhang muỗi ngoài ra theo y học Ấn Độ và philippin loại trà hoa này có thể dùng làm thuốc nhuận tràng theo phương thức pha trà uống khi dùng ở liều cao có tác dụng như thuốc tẩy ruột.


  

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

LINH LAN

LINH LAN


Tên khoa học: Convallaria majalis

Chi: Convallaria

Họ: Ruscaceae (Tóc tiên)

Tên tiếng Anh: Our Lady's tears (Nước mắt của Mẹ), May Lily (huệ tháng Năm), May Bells (hoa chuông tháng Năm), Lily Constancy (huệ chung thủy), Ladder-to-Heaven (thang tới thiên đường), Male Lily and Muguet, ...

Tên tiếng Việt: Linh lan, hoa lan chuông

Biểu tượng: Linh lan là quốc hoa của Phần Lan

Thông điệp: Sự trở về của hạnh phúc (The return of happiness)




     Hoa lan chuông có nguồn gốc trong khu vực ôn đới mát của Bắc bán cầu tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Nó là một loài cây thân thảo sống lâu năm có khả năng tạo thành các cụm dày dặc nhờ loang rộng theo các rễ ngầm dưới mặt đất gọi là thân rễ. Các thân rễ này tạo ra rất nhiều chồi mỗi mùa xuân. Thân cây cao tới 15–30 cm, với hai lá dài 10–25 cm và cành hoa bao gồm 5-15 hoa trên đỉnh ngọn thân cây. Hoa có màu trắng (ít khi hồng), hình chuông, đường kính 5–10 mm, có mùi thơm ngọt; nở hoa về cuối mùa xuân. Quả của nó là loại quả mọng màu đỏ, nhỏ với đường kính 5–7 mm.

      
     Nó là một loại cây cảnh trồng phổ biến trong vườn vì các hoa có mùi thơm của nó.

     Lá và hoa linh lan chứa các glycozit như Convallimarin, Convallarin có tác dụng tim mạch và được sử dụng trong y học trong nhiều thế kỷ. Với các đơn thuốc quá liều nó có thể gây ngộ độc; các loài vật nuôi và trẻ em có thể bị thương tổn khi ăn phải linh lan.

    
     Hoa này trong tiếng Anh còn được gọi là Our Lady's tears (Nước mắt của Mẹ) do, theo một truyền thuyết, từ những giọt nước mắt của Eva rơi xuống, khi bị đuổi ra khỏi thiên đàng, đã trở thành hoa linh lan. Một thuyết khác cho rằng linh lan xuất hiện từ những giọt nước mắt của Đức Mẹ đồng trinh Mary khi chúa Jesus bị đóng đinh câu rút. Theo một truyền thuyết khác, hoa linh lan cũng đã xuất hiện từ máu của Thánh Leonard trong trận chiến của ông với con rồng.
  
     Theo truyền thống, hoa linh lan được bán tại Pháp trên các đường phố vào ngày 1 tháng 5 và được tặng cho nhau như một thứ đem lại may mắn. Kể từ năm 1982, hoa linh lan là quốc hoa của Phần Lan. Nó là loài hoa chính thức của các hội đoàn như Pi Kappa Alpha, Kappa Sigma và của liên đoàn các bà xơ Alpha Epsilon Phi tại Hoa Kỳ.

CHUYỆN CỦA HOA

     Hoa Linh Lan là hoa của tháng 5. Nếu bạn sinh tháng 5 thì bạn là người có vẻ ngoài hấp dẫn và có tấm lòng bao dung, rộng mở, đôi khi tới mức quá cả tin. Chính vì thế, bạn được những người xung quanh yêu mến nhưng đồng thời cũng dễ bị tổn thương, dễ bị lợi dụng. Vì vậy, bạn cần có người bạn đời chắc chắn, đáng tin cậy.

     Những đóa hoa nhỏ trắng, xinh xắn dễ thương và đẹp ngọt ngào này mang ý nghĩa sự trở về của hạnh phúc (the return of happiness - hạnh phúc tìm lại). Hoa lan chuông nở rộ vào tháng 5, mang về những đợt thời tiết ấm áp nên nó tượng trưng cho niềm vui trở lại. Trong một thời gian dài nó là biểu tượng cho sự nhún nhường và trinh bạch bởi hoa có màu trắng tinh khiết và đầu hoa cuối xuống. Có một huyền thoại kể về tình yêu của bông hoa Linh Lan dành cho chú chim Sơn Ca đã không trở lại khu rừng xưa cho đến khi hoa Linh Lan nở vào tháng 5.



     Ở Pháp, ngay từ thời Charles IX (thế kỷ XVI), người ta đã tặng nhau những bó hoa Muguet nhỏ vào ngày đầu tiên của tháng Năm với mong ước đem lại may mắn và hạnh phúc. Còn đối với người dân Nhật Bản, họ gọi những bông hoa Linh Lan là sự ngọt ngào của tháng Năm. Là loài hoa dành để báo hiệu sự khởi đầu cho một mùa hè rộn ràng xanh thắm đang gần kề.

     Rất nhiều người sẽ bị nhầm tưởng hoa Linh Lan là hoa đèn lồng, có thể do dáng vẻ khá giống nhau của chúng. Nhưng dù cùng một bộ hoa loa kèn thì Linh Lan lại có thời gian ra hoa ngắn hơn những loại lily khác. Hoa Linh Lan chỉ nở rộ trong khoảng thời gian từ đầu tháng Năm đến giữa tháng 6, và với mùa hoa ngắn ngủi như vậy nên vẻ đẹp của Linh Lan tại Nhật Bản cũng như các nước phương Tây càng được yêu mến và nâng niu hơn.

     Hiện nay, đây là loài hoa luôn đứng trong top 5 loài hoa…phổ biến được sử dụng trong các đám cưới. Sắc màu tinh khiết và cảm nhận ngọt ngào dịu dàng của loài hoa Linh Lan mang lại thật phù hợp với không gian của đám cưới, dù cho bạn có là một người ít để ý đến hoa cỏ cũng sẽ cảm thấy bị hoa Linh Lan thu hút.

     Thời xa xưa có một chàng Gù bất hạnh, sống đơn độc, không biết cha mẹ mình là ai, anh em thân thuộc cũng không có, chẳng ai coi chàng là bạn. Ðối với tình yêu, chàng chỉ biết qua sách vở. Chàng mang máng hiểu rằng tình yêu cũng giống như một hơi thở nhẹ luôn ve vuốt trái tim, hoặc như ngọn lửa thiêu cháy nó, rằng tình yêu có thể nâng con người lên chín tầng mây, và cũng có thể quăng họ xuống địa ngục. Chàng Gù còn tin ràng dù là hơi thở nhẹ hay sức nóng của lửa cũng không thể làm lay chuyển được con tim đau đớn đang đập loạn lên của chàng.

     Ai có thể đem lòng yêu một con người như vậy, một khi trên đời này còn có biết bao chàng trai tuấn tú và khôn ngoan khác? Vả lại, làm sao chàng có thể yêu được một người khác giới khi chàng mang trái tim như vậy trong lồng ngực? Không, trái tim chàng chỉ biết căm ghét, đố kỵ; đôi môi chàng chỉ quen mấp máy một số từ thô thiển; cặp mắt ti hí của chàng không nhìn rõ được, dù là một tia nắng dịu dàng hay một ánh trăng mỏng mảnh; đôi mắt ấy lúc nào cũng chỉ nhìn xuống và chỉ thấy toàn những thứ thối tha, nhơ nhuốc; cái mũi nhọn hoắt của chàng không thể phân biệt được những điều kỳ diệu trong hương thơm của các loài hoa, mà chỉ biết đánh hơi được mùi hôi thối của xác súc vật và lá cây rữa nát. Chàng bị người đời xem thường và xa lánh.

     Thế rồi một hôm, thật tình cờ, chàng nhìn thấy công chúa Rôda đang dạo chơi trên công viên.

     Mọi người dừng lại, ngả mũ chào nàng, chỉ có chàng là cứ lóng nga lóng ngóng, cặp mắt hấp háy, không sao hiểu được trên đời này lại có thể có một người đẹp nhường kia. Cặp má hồng, đôi mắt nâu, đôi môi đỏ thắm cùng với tấm thân tròn lẳn tràn đầy sức sống của nàng, khiến những ai được gặp nàng cũng đều cảm thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm. Nhiều cụ già đã vượt qua những chặng đường xa lắc, lắm chông gai để mong được gặp nàng, dù chỉ là một lần, và lúc ra về thấy đời như trẻ lại. Rôda đáp lại sự ngưỡng mộ của mọi người bằng một nụ cười thật cởi mở và chân tình. Chỉ có một người không cất tiếng chào nàng, không ngả mũ, đó là chàng Gù gầy gò, xấu xí đứng bên vệ đường nheo mắt nhìn công chúa đang nhẹ nhàng bước. Ðối với Rôda, đấy là cả một sự lạ và rất khác thường. Nàng bèn dừng lại và nhìn sâu và cặp mắt không mấy thiện chí của chàng Gù. Con người khốn khó này sao cô đơn và đáng thương làm vậy! Rôda cảm thấy thương chàng vô hạn, và đã ban tặng cho chàng nụ cười ấm áp nhất của mình.



     Chỉ sau khoảnh khắc ấy thôi, cuộc đời chàng Gù bỗng thay đổi hẳn! Bây giờ, cặp mắt chàng luôn ngước nhìn lên, chàng đã thấy những bông hoa Tử Ðinh Hương tím nhạt và trắng xoá khoe sắc màu sặc sỡ, những bông hoa Sơn Trà đỏ tươi đang nở hết cỡ, và những đám cây tuyệt diệu có những tán lá lung linh giọt mặt trời. Những hơi gió nhẹ đem theo những làn hương kỳ diệu cứ phả mãi vào mặt chàng! Và đây, ngay bên mép đường, những bông hoa tim tím đã mọc lên. Vì sao những bông hoa nhỏ xíu này lại có đủ sức cảm hoá làm vui lòng người qua đường như vậy?



     Chàng Gù bối rối, không thể hiểu được vì sao cặp mắt nhìn cũng như đôi tai nghe của chàng lại thay đổi như vậy, và sao bỗng nhiên giờ đây chàng lại biết yêu vẻ đẹp của thế giới quanh chàng Biết hỏi ai bây giờ - Chàng tự hỏi.

     - Hãy hỏi ta đây này! - trái tim đáp.

     - Ôi, trái tim của ta, mi chỉ là kẻ bất hạnh, lúc nào cũng u tối như màn đêm vậy, mi có thể giải đáp được gì cho ta, chàng Gù cằn nhằn.

    - Ta đang cảm thấy đời thật là vui, bởi lẽ lúc này, ta mới hiểu cái gì, đã khiến hoa phải nở, giục giã chim phải hót; ta hiểu rằng cái gì đã mở cặp mắt và tai nghe của chàng! - Trái tim điềm tĩnh nói.

     - Vậy là cái gì? Hãy nói ta nghe chàng Gù dò hỏi.

     - Cái đó là tình yêu. Tình yêu vừa dịu dàng vừa khắc nghiệt, vừa êm đềm vừa sóng gió, vừa ấm áp vừa dữ dội! Chính vì chàng đang yêu! Chàng đã yêu công chúa Rôda!

     - Yêu công chúa Rôda ư? - Chàng Gù sợ hãi - Ta mà dám cả gan phải lòng công chúa Rôda!

     - Ai có thể ngăn cấm chàng yêu công chúa Rôda được? - Trái tim tranh cãi với chàng - Sáng sáng, chàng hãy đến đây, như mọi người, chàng hãy chào nàng đi.

     Chàng Gù nghe lời khuyên của chàng trái tim. Ngày lại ngày, chàng đến gặp Rôda, khi nàng đến gần, chàng cúi đầu xuống chào vẻ lịch thiệp. Nàng đi rồi, gương mặt chàng như được ve vuốt bởi một hơi thở nhẹ.Và thời kỳ tuyệt diệu nhất trong đời chàng đã tới. Vì sao chàng lại có đủ sức mạnh để tàn đêm, tận ngày ngồi đập từng tảng đá? Vì sao chàng lại có thể cao giọng hát đua cùng Sơn Ca và Hoạ Mi? Chàng Gù không hiểu Sơn Ca và Hoạ Mi hót gì, còn chàng, chàng chỉ hát về Rôda, về sắc đẹp của nàng và về tình yêu của mình thôi.



     Chàng Gù bất hạnh đâu hiểu được rằng, con bão bất thần có thể đổ sập xuống đầu chàng bất kỳ lúc nào! Quả nhiên, cơn bão đã bất thần ập đến thật. Ấy là vào một buổi sáng, khi chàng tới công viên để được ngắm công chúa, để được hưởng không khí trong lành; chàng đã thấy thành phố được trang hoàng lộng lẫy, phố xá đông nghẹt những người. Người nào cũng mang nhạc cụ, chỉ có một cô gái nhỏ nhắn là cầm trên tay một cái chuông con: Cô gái ấy tên là Maia bất hạnh, chuyên nghề chăn súc vật. Nàng không tìm đâu được đàn bà và sáo, nàng đành lấy cái chuông trên cổ một con dê là nhạc cụ. Nàng muốn bộc lộ, niềm vui của mình trong ngày hội trang trọng này.

     Lúc đó chàng Gù hỏi một người gặp trên đường xem thành phố được trang hoàng đẹp như vậy để đón mừng ai, và vì sao phố xá lại đông người đến thế.

     Người qua đường đáp:

     - Chàng từ đâu đến mà không biết hôm nay là ngày công chúa của chúng tôi sẽ đi lấy chồng?

     - Công chúa ư? Công chúa nào? - Chàng Gù lúng túng lắp bắp.

     - Chẳng nhẽ chàng không biết thành phố chúng tôi chỉ có một công chúa, đó là nàng Rôda sao?

     Chàng Gù khuỵu ngay xuống đống đá lạnh lẽo, nhưng rồi chàng vụt đứng dậy, bởi vì chàng có cảm giác như vừa bị ngã vào một bếp lửa đang cháy hừng hực. Như kẻ bị bỏng lửa, chàng chạy như bay về phía công viên, nơi mà ngày nào chàng cũng được gặp Rôda.

     - Rôda của ta! Rôda của ta!

     Chàng vừa hét to vừa cảm thấy trái tim mình đang bốc lên một ngọn lửa hừng hực và những giọt nước mắt chảy thành suối trên hai gò má chàng cũng không thể dập tắt nổi.Dân chúng hoan hỉ đón chào Công Chúa và Hoàng Tử xứ lạ; cặp trai tài gái sắc ấy đang ban phát cho đám thần dân của họ những nụ cười ấm áp. Say sưa với hạnh phúc, họ đâu có ngạc nhiên khi thấy một chàng Gù lách qua đám đông tới quỳ mọp dưới chân công chúa Rôda, miệng lảm nhảm cầu xin:

     - Rôda ơi, em là của ta cơ mà! Hãy tống cỏ kẻ lạ mặt này đi và hãy theo ta!

     - Thằng điên! Dân chúng hét to - Mi không biết thế nào là liêm sỉ khi xuất hiện trước mặt nàng công chúa Rôda trong bộ quần áo rách rưới thế kia ư?

     - Ta đã tìm được người ta yêu.

     - Tốt nhất là nên cầu hôn cái chổi ấy!

     Ðám đông giận dữ đứng che lấp hẳn chàng Gù. Dù có răn đe, dù có nhạo báng cũng không làm chàng tỉnh lại được.

     Ngọn lửa tình yêu đã khiến chàng dần trở nên mù quáng, mất hết lý trí. Chàng rút con dao găm từ trong vạt áo ra và đâm thẳng vào trái tim công chúa.

Mọi người cúi gằm mặt xuống, vẻ đau buồn. Khi ngước mắt lên, ai nấy đều ngạc nhiên trước một tiếng kêu sửng sốt. Từ mảnh đất thấm đầy máu, mọc lên một bông hoa thanh cao có những cái cánh nhỏ màu đỏ lửa toả hương thơm. Nhưng nếu ai cố tình chạm vào nó thì sẽ bị những cái gai sắc như mũi dao đâm vào tay đau nhói.

- Ðây là Rôda của chúng ta, - Dân chúng bàn tán - ngay cả sau khi đã chết rồi, nàng vẫn gửi lại cho chúng ta niềm vui sáng láng.

     Theo luật pháp xứ này, hung thủ giết người tình của mình chỉ về ghen tuông sẽ bị loại trừ ra khỏi cộng đồng, do vậy chàng Gù phải lưu đày lên một vùng núi hẻo lánh, kéo theo sau là những cơn mưa đá và những lời nguyền rủa. Từ đó không ai thấy chàng Gù nữa. Mãi đến mùa Xuân năm sau, Maia, cô gái chăn cừu nhỏ nhắn trong lúc đi tìm chú dê con bị lạc bầy, đã phát hiện dưới chân núi một trái tim bị nứt nẻ.Cô gái bỗng nhớ tới chàng Gù bất hạnh đã chết vì tình yêu điên dại, nàng bèn cúi xuống trước trái tim ta vỡ và khóc nức nở, vì nàng cũng là kẻ đơn độc, không được yêu. Thật là kỳ lạ, những giọt nước mắt của Maia cứ thấm sâu vào tảng đá, và ngay trên chỗ đó mọc lên hai bông hoa, một bông có những cái cánh nho nhỏ màu hồng quấn quanh thân cành giống như những trái tim nhỏ xíu bị nứt nẻ; còn bông kia thì nở ra những cái chuông nhỏ màu trắng treo lửng lẳng trên cành hệt như những giọt nước mắt trong suốt.

     Sau này, con người đã đem những bông hoa đó vào trồng trong vườn và gọi bông hoa màu hồng là hoa Trái Tim Tan Vỡ, còn bông hoa màu trắng là Hoa Linh Lan.





THƠ VỀ HOA

Il est revenu, le temps du muguet
Comme un vieil ami retrouvé
Il est revenu flâner le long des quais
Jusqu’au banc où je t’attendais
Et j’ai vu refleurir
L’éclat de ton sourire
Aujourd’hui plus beau que jamais
Le temps du muguet ne dure jamais
Plus longtemps que le mois de mai
Quand tous ses bouquets déjà seront fanés
Pour nous deux rien n’aura changé
Aussi belle qu’avant
Notre chanson d’amour
Chantera comme au premier jour
Il s’en est allé, le temps du muguet
Comme un vieil ami fatigué
Pour toute une année, pour se faire oublier
En partant il nous a laissé
Un peu de son printemps
Un peu de ses vingt ans
Pour s’aimer, pour s’aimer longtemps

*Muguet: Một tên gọi khác của hoa linh lan.


Thơ về hoa Linh Lan được dịch từ bài hát trên

Mùa hoa muguet trở lại
Như người bạn xưa tìm về
Hoa trải dài bờ ke
Tới tận chiếc ghế băng bên hè,
nơi anh ngồi chờ em.
Và anh thấy nở sáng bừng
Trên khuôn mặt em vui tươi
Nụ cười
Đẹp hơn bao giờ hết.

Mùa muguet ngắn ngủi
Chẳng qua nổi tháng Năm
Những đóa hoa rồi sẽ úa tàn
Nhưng với hai ta, sẽ chẳng gì thay đổi
Vẫn đẹp mãi khúc ca tình yêu
Ta đã hát trong ngày đầu tươi mới.

Đã hết rồi, mùa hoa muguet
Người bạn xưa đã ra đi mỏi mệt
Tìm lãng quên một năm dài biền biệt
Người để lại cho ta
Một chút mùa xuân xa
Một chút tuổi hai mươi yêu dấu
Để yêu nhau, để yêu nhau dài lâu.


Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

TÚY ĐIỆP

TÚY ĐIỆP


Tên khoa học: Cleome spinosa


Chi: Màng màng

Họ: Cleomaceae (Họ màng màng)

Tên tiếng Anh: Giant Spider

Tên tiếng Việt: Túy điệp, phong điệp thảo

Phân bố: Native đến Nam Mỹ

Thông điệp: Bạn làm tôi say đắm


Album: https://www.facebook.com/media/set/?set=a.439452592911417.1073741854.244315789091766&type=3

     Túy điệp là loài cây thân thảo 1 năm, sống ở điều kiện nhiệt đới, không chịu được lạnh. Thân cây mọc thẳng, chia nhiều cành. chiều cao trung bình từ 20-50 cm nhưng cũng có thể cao trên 1m. Lá cây mọc so le nhau chia chia thùy trên một cuống dài, tuy nhiên gần đỉnh cây có hoa lá mọc đơn sát thân cây. 



     Hoa túy điệp mọc thành chùm ở tận cùng mỗi cành. Hoa có màu hồng phấn pha lẫn tím và trắng, cũng có thể có màu trắng hoặc tím nhạt đơn thuần. Mùa hoa túy điệp trải khắp 4 mùa tùy thời gian gieo trồng. Thời gian từ khi gieo hạt đến khi cây ra hoa khoảng 80 ngày.




     Túy điệp không có nghĩa là bươm bướm hút mật hoa sẽ bị say mà là vì hoa giống như những cánh bướm, lắc lư trong gió tựa như đàn bướm bay lượn. Cũng chính vì vậy, hoa còn có tên khác là Phong điệp thảo.



      Túy điệp cũng còn được gọi vui hoa hoa nhện (Giant Spider ) vì hoa có những nhị và nhụy dài y như những sợi tơ nhện.







     Túy điệp có ý nghĩa là vẻ đẹp của bạn làm tôi say đắm

     Nó cũng là thông điệp của các cặp vợ chồng hy vọng sẽ tiếp tục được vợ chồng ở kiếp sau.

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

SƯA

SƯA


Tên khoa học: Dalbergia tonkinensis Prain

Họ: họ Đậu (Fabaceae)

Tên tiếng Việt: Sưa hay sưa Bắc Bộ, trắc thối, huê mộc vàng, huỳnh (hoàng) đàn

Phân bố: Chủ yếu phân bổ ở Việt nam và được tìm thấy rải rác tại Hải Nam, Trung Quốc .


Album: https://www.facebook.com/media/set/?set=a.422626831260660.1073741853.244315789091766&type=3



 

  Là cây ưa sáng, ưa đất sâu, dày, độ ẩm cao. Phân bố ở độ cao dưới 500m. Có khả năng tái sinh hạt tốt. Sưa là cây gỗ nhỡ, thân cây nhẵn, màu xám trắng, lúc nhỏ thân cây hơi cong queo. Lá thường xanh có thể cao tới 10–15 m, sinh trưởng trung bình, thân màu vàng nâu hay xám, nứt dọc. Lá dài 9–20 cm; cuống không lông; lá kèm sớm rụng, nhỏ, có lông nhỏ mịn và thưa, màu nâu vàng. Các cuống nhỏ không lông; số lá chét 5-9, với lá chét tận cùng thường là to nhất, hình trứng hay hơi thuôn dài, nhẵn, chất da, có lông mịn lơ thơ khi non, nhanh chóng chuyển thành không lông, gốc lá chét tròn, nhọn mũi.

     Đầu mùa xuân thay lá, hoa màu trắng và màu vàng rất đẹp. Hoa tự dạng chùy, mọc ở nách lá, khoảng 5–15 cm. Hoa trắng có đài hợp, thơm. Quả dạng quả đậu hình trứng thuôn dài, dài 5–6 cm, rộng khoảng 1 cm và chứa 1-2 hạt dạng bầu dục, đường kính khoảng 9 mm. Quả khi chín không tự nứt. Cành non màu xanh có đốm bì khổng màu trắng. Hoa ra tháng 4-7. Quả chín thu hoạch tháng 11-12.

     
     Có hai loài sưa chính là: sưa trắng và sưa đỏ. Sưa trắng cho hoa đẹp, quả to, đốt không có mùi. Nhưng giá trị gỗ không bằng sưa đỏ. Sưa đỏ trông gần giống sưa trắng, quả kết thành từng chùm, đốt lên có mùi thối.

     Sưa là cây gỗ nhóm IA, được xếp vào loại cực kì quý hiếm, cấm khai thác và sử dụng với mục đích thương mại năm 1994. Riêng cây rừng trồng được phép khai khác và sử dụng. Gỗ chắc, thơm và có tỉ trọng nặng hơn gỗ bình thường. Vân gỗ đẹp, rất được ưa chuộng để làm đồ dùng phong thuỷ.


     Gỗ trắc thối cho mùi thơm quyến rũ thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu nên được gọi là Trắc thối. Gỗ trắc thối chỉ dùng phần lõi những cây trên trăm tuổi. Gỗ sưa thớ mịn, vừa cứng lại vừa dẻo, có nhiều hoa văn đẹp. Thời phong kiến vua chúa dùng gỗ trắc thối để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Những năm gần đây, giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô săn lùng trắc thối để đóng quan tài hoặc ướp xác như các vị hoàng đế Trung Quốc trước đây. Người ta cho là quan tài đóng bằng gỗ trắc thối có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy. Do đặc điểm hoa trắng, có mùi thơm, tán rộng, nên người ta có thể trồng làm cảnh tại các đường phố.


CHUYỆN CỦA HOA

     Theo truyền thuyết kể lại, hoa Sưa có lẽ là hồn một cô gái ngàn xưa kết tinh thành bạch ngọc, cứ mỗi độ Xuân về lại nhớ tình tang là chàng trai Thăng Long Hà Nội, nên hiện ra mơ hồ, thoáng qua một ít ngày ngắn rồi lại bay về hư ảo, nói nhửng lời im, bay tà áo mỏng tung tóc vào trời mưa phấn, phô cái gáy nõn nà mây trắng cho phất phơ đôi sợi tóc mềm lả lướt nắng bạc hiếm hoi… để ngơ ngẩn những ai yêu Hà Nội, yêu đến bứt rứt một kiếp người.



THƠ VỀ HOA

 DỊU DÀNG HOA SƯA TRẮNG

Hoa sưa nở dịu dàng bên lối phố
Trắng miên man màu áo học trò
Nhặt hoa rụng nghe lòng rưng rưng nhớ
Một thưở tóc mềm vương cánh trắng hoa bay.. 

Hà Nội mùa xưa dìu dịu heo may
Gió e ấp lay áo dài thiếu nữ
Hoa sưa thoảng ngọt ngào khung cửa sổ
Ướp thơm hương lời hẹn tuổi học trò..

Hà Nội mùa xưa da diết những vần thơ
Theo bước người đi suốt chiều dài biên giới
Nỗi nhớ niềm thương những tháng ngày chờ đợi
Thơm dịu dàng một sắc trắng hoa sưa..

Hà Nội tháng ba vẫn ngọt dịu hương đưa
Lối nhỏ em về dịu dàng hoa sưa trắng
Mùa vẫn chờ ..sao anh hoài xa vắng
Để mãi thương thầm một cánh trắng hoa bay..






MÙA HOA SƯU NỞ

Xuân muộn, bước trên đường Hà Nội
Bỗng gặp hàng Sưa trắng muốt một màu hoa
Sáng rực góc trời, níu những bước chân qua
Lưu luyến quá, chùm hoa mềm lặng lẽ.


Cũng chợt đến nhẹ nhàng như thế
Tất cả lộc non bật nở một ngày
Mơn mởn non tơ những mắt lá thơ ngây
Lúng liếng xanh, chao dưới trời mưa bụi.

Hoa sớm rụng, dẫu trời xuân chưa đổi
Đủ cho ai nhung nhớ một thời
Đủ cho ai say đắm một đời
Chào Sưa nhé, chờ mùa Sưa nở lại!

Anh đã biết, rồi yêu, rồi nhớ mãi
Vẻ dịu hiền, phút bừng sáng, nét lung linh.
Thoang thoảng mùi hương, cánh hoa nhỏ xinh xinh
Dẫu có mưa dầm, dẫu còn gió cuốn.


Anh cứ ước … mãi còn ngày Xuân muộn
Để cùng ai say đắm những mùa Sưa!
                                        (Nguyễn Anh Trí)












Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

TAM GIÁC MẠCH

Tên khoa học: Fagopyrum esculentum.


Họ: Rau răm (Polygonaceae).


Tên tiếng Việt: Mạch ba góc, tam giác mạch, kiều mạch.


Biểu tượng: Hoa kiều mạch - loại hoa tượng trưng cho những mối tình lãng mạn, thi vị.

     Kiều mạch là loại cây thân thảo, thân mọc đứng, cao 30-80cm, phân cành nhiều. Lá hình tim, tim tam giác, nhọn, có cuống; các lá ở phía trên hầu như không cuống; bệ chìa mỏng. Chùm hoa ở nách lá hay ở ngọn; hoa màu trắng hay hơi hồng, có cuống. Quả ba góc nhọn, hơi vượt quá đài hoa, màu nâu đen. Hạt có nội nhũ bột.

Kiều mạch được trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu từ thế kỷ 15. Ở Việt Nam, kiều mạch được trồng ở vùng núi cao phía bắc. Cây sinh trưởng tốt ở vùng khí hậu ẩm và mát với nhiệt độ 15-22 độ C, sức chịu lạnh yếu.

     Kiều mạch được thuần hóa lần đầu từ vùng Đông Nam Á lục địa (khu vực phía tây tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) khoảng 6.000 năm trước công nguyên, từ đó lan ra Trung Á và Tây Tạng sau đó đến Trung Đông và châu Âu.


     Con người dùng bột kiều mạch để nấu cháo, làm bánh. Ngoài ra, quả và lá còn dùng làm thức ăn cho gia súc. Theo Đông y, kiều mạch có vị chát, hơi the, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, tiêu thũng.



     Tại Việt Nam, kiều mạch được bà con vùng cao gieo trồng trên các vách núi và thung lũng, một năm hai vụ, vào khoảng tháng 4 và tháng 10. Tuy không có năng suất cao nhưng là cây trồng truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên rẻo cao phía bắc. Mùa hoa tam giác mạch nở rộ tháng 9, tháng 10 hàng năm. Với nhiều du khách, hình ảnh những thửa ruộng tam giác mạch nở hoa lộng lẫy giữa khung cảnh núi non hùng vĩ là điểm nhấn ấn tượng trong hành trình phiêu du. Đây cũng là một đề tài được nhiều nhiếp ảnh gia khai thác say mê.


     Trong đó các địa điểm nổi tiếng với tam giác mạch:

          • Ở Lào Cai, các huyện phía bắc giáp với Hà Giang như Simacai, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương đều có gieo trồng tam giác mạch nhưng ít hơn Hà Giang nếu so về quy mô, mật độ.




           • Ở Cao Bằng, Trà Lĩnh - Trùng Khánh là hai điểm đến trồng nhiều tam giác mạch.




           • Hà Giang: nổi tiếng nhất với quá nhiều địa danh được “đóng đinh” trên bản đồ tam giác mạch bởi vẻ đẹp sinh động và ấn tượng của cảnh quan như: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Đồng Văn, Lũng Cú, Ma Lé…



     Hoa kiều mạch - loại hoa tượng trưng cho những mối tình lãng mạn, thi vị. Bắt nguồn từ tiểu thuyết nổi tiếng của tác gia người Hàn Quốc Lee Hyo- seok vào năm 1936 mà loài hoa này càng được biết đến rộng rãi hơn bao giờ hết. Và sức lan tỏa của tác phẩm Khi Hoa Kiều Mạch Nở đã biến kiều mạch thành một nét văn hóa trong dịp lễ hội Bongpyeong tháng 9 hàng năm. Vào dịp này du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bát ngát trên những cánh đồng hoa rộng lớn và đồng thời tưởng nhớ công lao của nhà văn đã khuất.



CHUYỆN CỦA HOA 


     Chuyện kể rằng nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người người lấy hạt về ăn. Khi ngô hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng, chiều đã buông dài nơi rừng cây mà vẫn chưa thấy ai nhóm bếp. Một hôm mọi người họp nhau lại rồi chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua,nhiều nơi đã đến, nhiều hang cùng góc núi đã lục tìm mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng. Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương là lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người cùng tìm đến khe núi,và ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bênnày sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Cái bụng đã ngủ yên không lóc óc đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên “tam giác mạch”.


Một câu chuyện khác


     Không biết từ bao giờ, người dân ở Lũng Táo vẫn truyền nhau câu chuyện thần bí về sự xuất hiện của loài hoa này. Truyền thuyết kể lại, ngày ấy, trên cao nguyên đá không một bóng người. Bỗng một ngày, con gái út của Thiên Ứng Đại Vương là vị quan trên thiên đình phụ trách cai quản vùng Đông Bắc của Tổ quốc thích ngao du những miền đất lạ nên đặt chân đến nơi đây.

     Ngay từ lần đầu nhìn thấy cảnh núi đá hoang vu, cô đã bị hút hồn. Vì ham vui mà cô đã quên đường về thiên giới. Khi Thiên Ứng Đại Vương đi tuần qua đây, gặp cô con gái mình rong chơi thì giận lắm. Ông coi đó là một việc làm hư hỏng, không tuân theo phép tắc thiên đình. Ứng Vương vốn nổi tiếng nóng giận và nghiêm khắc nên cấm con gái không được về thiên đình nữa.

     
     Mặc dù rất buồn nhưng vì đã cãi lời cha nên cô không thể làm khác được. Trước khi bị đày xuống hạ giới, cô gái này đã xin đem theo một hạt cây của thiên đình. Bởi, cô luôn tâm niệm sẽ mang lại sức sống cho những vùng đất hoang vu. Vì là loài cây của thiên đình nên dù thời tiết khắc nghiệt, đất đá khô cằn nó vẫn có sức sống rất mãnh liệt. Sau một thời gian xuống hạ giới, vỡ đất trồng cây tận hưởng cuộc sống tự do một mình, công chúa rất buồn nên đã xin cha cho về lại thiên đình. Tuy nhiên, Ứng Vương cương quyết cấm cửa.

     Nhớ gia đình trên thiên giới và một phần không quen cuộc sống cô độc, cô gái đã chết khi đang gieo trồng cây mạch. Sau khi chết, xác cô đã tan ra giữa đồng tam giác mạch. Chính vì thế, hoa tam giác mạch có hình chóp nhọn như giọt nước mắt hối hận của người con gái đã biết tội với cha mình. Màu hồng tím xen lẫn màu trắng của hoa là màu chiếc áo cô được cha tặng. Cả rừng hoa hồng tím rực rỡ hướng lên trời xanh như lời khắc khoải gọi cha của người con gái.

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

OSAKA ĐỎ

OSAKA ĐỎ


n khoa học: Erythrina fusca 
(Tên đồng nghĩa: Erythrina glauca Willd., Erythrina caffra Blanco, Erythrina viarum)

Họ: Fabaceae

Tên tiếng Anh và một số tên gọi khác: Chekring, Coral bean, purple coral-tree, bean purple coral, Swamp Erythrina, Gallito, bois immortelle, bucayo, bucare...

Tên tiếng Việt: Osaka đỏ, vông mào gà, hồng môi, vông nem, hoàng hậu đỏ, đậu san hô đỏ, vông đồng, móng quỷ...

Biểu tượng: Hoa của đậu san hô đỏ được chọn là loài hoa chính thức của bang Trujillo thuộc Venezuela.

Nguồn gốc xuất xứ: Các nước nhiệt đới Châu Á



     Osaka đỏ là loại cây gỗ trung bình, thuộc loại ưa sáng, cao từ 10–20 m, tán rộng, lõi cây có màu vàng sáng đến vàng nâu. Gỗ nhẹ, không bền, ít được sử dụng.

     Lá kép có 3 lá chét dài 8–18 cm, hình bầu dục, lá phụ cuối cùng lớn hơn cả, màu lục bóng nhẵn, rụng vào mùa mưa.

     Hoa chùm, dài trên 20 cm mang nhiều hoa nhỏ có màu đỏ sát nhau. Hoa lớn có 1 cánh cờ dạng trái xoan thuôn rộng, cuộn lại. Nhị hợp lại thành bó dài. Quả dài 25cm màu đen, nhẵn, thắt lại ở hạt. Hạt 5 - 8, hình thận, đỏ hay nâu. Mùa ra hoa: ra hoa quanh năm.



     Cây thích nghi từ vùng nhiệt đới khô cho tới vùng nhiệt đới ẩm. Lượng mưa phù hợp cho phát triển cây dao động từ 1.000 - 4.000 mm, nhiệt độ từ 20-28 °C, độ pH từ 6-8, cây phù hợp với đa số địa hình khác nhau: vùng thấp trũng, ven biển, đầm lầy, vùng đất ngập nước, ven sông v.v. Nói chung nó thích nghi với các điều kiện vùng duyên hải, chịu được cả ngập lụt lẫn điều kiện nước mặn.




     Ở Việt Nam, Indonesia, Singapore, Puerto Rico cây được sử dụng làm cây cảnh quan trên đường phố, công viên. Ở Java, lá non được ăn như một loại rau. Ở Assam và Bengal được trồng để hỗ trợ và bảo vệ cho các vườn nho. Tại một số nơi khác chúng được sử dụng trồng làm cây che bóng và bảo vệ cho các đồn điền cacao, cà phê vì hoa sẽ thu hút các loài chim phá hoại nhưng đồng thời lại giúp cho quá trình thụ phấn của cây được tiến triển tốt hơn.

     Giống như các loài khác trong chi Erythrina, Osaka đỏ có chứa nhiều ancaloit có độc tính, phổ biến nhất là erythralin, thường được dùng trong ngành chế biến dược liệu nhưng gây ngộ độc khi dùng với lượng lớn mặc dù chồi và lá non có thể ăn như rau.

     Theo Hartwell (1967-1971) hạt được sử dụng trong dân gian để chữa bệnh ung thư ở Đông Dương. Một báo cáo khác cho biết cây đậu san hô cũng có dược tính giống như cây Erythrina indica, vỏ cây chữa được bệnh sốt, bệnh gan, sốt rét, thấp khớp, đau răng, rễ đun sôi đắp chữa gãy xương. Ở Malaysia vỏ được đắp để chữa và cầm máu vết thương.




Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

MUỒNG HOÀNG YẾN

MUỒNG HOÀNG YẾN


Tên khoa học: Cassia fistula L


Họ: Họ Đậu (Fabaceae)

Tên tiếng Việt: Muồng hoàng yến, muồng hoàng hậu, hoa lồng đèn, bò cạp nước, bò cạp vàng, osaka, mai dây, cây xuân muộn, mai nở muộn

Phân bố: Miền nam châu Á, từ miền nam Pakistan kéo dài về phía đông qua Ấn Độ tới Đông Nam Á và về phía nam tới Sri Lanka

Biểu tượng: Muồng hoàng yến là quốc hoa của Thái Lan và tại đây nó được gọi là dok khuen; các hoa màu vàng của nó tượng trưng cho hoàng gia Thái

Muồng hoàng yến, được gọi là kanikkonna là hoa tượng trưng cho bang Kerala tại Ấn Độ


Cây gỗ nhỡ bán thường xanh hay sớm rụng, cao tới 10–20 m, lớn nhanh. Đường kính thân cây khoảng 40 cm. Vỏ thân màu xám trắng, vỏ thịt màu hồng dày 6–8 mm thường được dùng làm thuốc nhuộm màu đỏ. Gỗ có giác lõi phân biệt, cứng, nặng có thể dùng trong xây dựng nhà cửa, đóng đồ gia dụng, nông cụ. Lõi giàu tanin. Cành nhẵn, lá kép lông chim một lần chẵn, mọc cách, dài 15–60 cm với 3-8 cặp lá chét sớm rụng. Lá chét mọc đối, hình bầu dục rộng đến bầu dục dài, dài 7–21 cm rộng 4–9 cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, rộng, nhẵn.




Cụm hoa lớn, nhiều hoa nhưng thưa, dạng cành hoa rủ xuống dài 20–40 cm; cuống chung nhẵn, dài 15–35 cm hoặc có thể hơn. Cánh hình bầu dục mặt ngoài phủ lông mượt. Mỗi hoa đường kính 4–7 cm với 5 cánh hoa màu vàng tươi có hình bầu dục rộng, gần bằng nhau có móng ngắn; nhị 10, bao phấn phủ lông tơ ngắn. Bầu và vòi nhụy phủ lông tơ mượt. Quả dạng quả đậu hình trụ, hơi có đốt, dài 20–60 cm hoặc hơn, đường kính quả 15–25 mm, mang nhiều hạt trái xoan rộng, khi khô có vỏ cứng, có thể dùng làm thuốc xổ; thịt quả có mùi hôi khó chịu. Mùa hoa tháng 5-7 (Bắc bán cầu) hay tháng 11 (Nam bán cầu). Hoa nở rộ và sai hoa nên rất đẹp. Các hạt có chứa chất độc.

Muồng hoàng yến phát triển tốt tại khu vực nhiều nắng và thoát nước tốt, không thích hợp với điều kiện khí hậu khô cằn hay giá lạnh; mặc dù nó chịu được hạn và mặn.

Do cây có hoa đẹp, tán rộng, mọc nhanh, không cao quá và có rễ ngang, bám chắc nên muồng hoàng yến rất đáng được quan tâm, chú ý để phát triển nhiều hơn nữa làm cây cảnh quan, cây đường phố. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng Muồng hoàng yến rất dễ bị sâu đục thân và sâu ăn lá dễ ảnh hưởng thẩm mỹ quan và tuổi thọ cây trồng.





Quốc hoa của Thái Lan là hoa ratchaphruek (muồng hoàng yến – Cassia fistula), loài hoa màu vàng nở thành chùm rực rỡ. Những người dân Thái coi màu vàng của loài hoa này như là màu sắc của Phật giáo và sự vinh quang. Hoa ratchaphruek cũng tượng trưng cho sự đoàn kết và hòa hợp của người Thái. Loài hoa này thường được trồng dọc theo lề đường phố ở Thái Lan.





CHUYỆN CỦA HOA



Thuở xưa, ở làng bảng nọ có hai mẹ con sống với nhau thật ấm em. Người con gái có tên Na'ơn. Nàng năm nay 18 tuổi, xinh đẹp nét na, dịu hiền ai cũng yêu quý nàng. Cuộc sống yên bình của hai mẹ con cứ thế trôi qua. Rồi một hôm :

- Na'ơn ơi ! Mẹ cô bị đau bụng ở ngoài nương đấy !

Nghe vậy ,cô đang ở nhà cho đàn gà ăn vội vứt ngay chén lúa mà chạy thật nhanh ra ngoài ruộng để đưa mẹ về. Cô mời thầy lang Nan'in đến chữa bệnh. Thầy bảo :

- Mẹ con bị bệnh nặng lắm phải có lá của cây tuyết sương mới giúp mẹ coi thải chất độc ra được !

Cô nghe vậy cô hỏi :

- Dạ, thầy cho con hỏi cây tuyết sương mọc ở đâu ạ !

Thầy đáp :

- Đó là loài cây chôn vùi trong tuyết trên các đỉnh núi cao, khi mùa xuân đến cây đâm chồi nảy lộc nhưng có điều bây giờ đang là mùa đông ta e sẽ khó tìm được cây ấy lắm. Chỉ sợ mẹ con cầm cự không nổi đâu.

Cô nói :

- Dạ dù khó khăn đến đâu con cũng sẽ tìm được cho mẹ !

Thầy lang chỉ cô lên vùng núi ở phía Tây cô sẽ thấy một con dốc đá cheo leo đầy băng, cô leo lên trên sẽ thấy hang động , xung quanh đó sẽ tìm thấy, nhưng đường đi đến đó gian nan hiểm trở. Con sẽ gặp nhiều loài rắn rết, cọp beo con phải cẩn thận.






Rồi cô chào tạm biệt mẹ và mọi người lên đường. Đi hết 3 ngày 3 đêm rồi người cô dần thấm mệt cô gặp một anh chàng thợ săn tên là Chư'pả. Anh đã cứu cô thoát khỏi móng vuốt của con cọp hung dữ. Anh nói nếu cô làm vợ anh anh sẽ cùng cô đi tìm cây quý cứu mẹ. Cô đồng ý.

Rồi hai người cùng đi lên núi cao , giữa đường hai người thấy một ông già đang nằm kêu đói giữa đường , hai người đã giúp ông lão và được ông trả ơn bằng chiếc khăn màu vàng tươi và ông nói. Có nó hai con sẽ không phải lạnh nữa.

Cuối cùng hai người cũng đã đến được vùng núi cao và tìm được cây quý rất thuận lơi rồi hai người cùng đi về. Khi về giữa đường hai người gặp một gia đình đang khóc vì người nhà của người ấy sắp chết, họ cần cây tuyết sương để cứu vì mạng sống giờ ngàn cây treo sợi tóc , thấy vậy hai vợ chồng đã lấy ngay cây thuốc để cứu người , để đền ơn gia đình họ đã cho hai vợ chồng số vàng nhưng cô gái khóc vì mẹ mình cũng cần cây thuốc.





Người nhà họ hỏi mẹ cô bệnh gì. Cô nói tình trạng bệnh ra , người nhà đã đưa cho cô vỏ loại cây và hạt giống cây đó. Họ bảo lấy vỏ cây sắc nước cho mẹ con uống sẽ khỏi. Khi mẹ cô uống mẹ cô kêu đau bụng ra nhà vệ sinh và đi ngoài hết. Bổng nhiên mẹ cô khỏe lại. Cô đem hạt giống gieo trồng nhưng do mùa đông nên cô đã lấy chiếc khăn vàng mà ông cụ đã tặng đắp lên. Giữa đêm có một con bò cạp bị rét và chui vào chiếc khăn ấp đó nhưng không may một cơn dông tố xuất hiện kèm theo sấm chớp đã đánh cháy chiếc khen , cô gái thấy vậy chạy ra dập tắt thì thấy xác con bò cạp. Cô chôn luôn con bò cạp xuống đất và chỗ hạt giống vào mùa xuân mọc lên một cây cho lá xanh và hoa vàng dài đuôi. Là cây bò cạp vàng hay cây muồng hoàng yến.